NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI

Một nhóm khoa học tại TPHCM đã thành công trong việc huấn luyện trùn đất ăn hết số mạt cưa thải sau trồng nấm. Sản phẩm quá trình “tiêu hóa" của chúng trở thành phân bón sử dụng tốt trong nông nghiệp.

Cử nhân Trần Hoàng Dũng, tác giả của đề tài cho biết : những lần đến các trại nấm thực tập, anh thấy những người nuôi nấm kêu trời do không có cách gì xử lý nổi hàng tấn mạt cưa thải sau mỗi đợt thu hoạch. Dũng chợt suy nghĩ đến việc dùng trùn để xử lý.

Trong 8 loại trùn đang được thế giới nghiên cứu để đưa vào nuôi công nghiệp, khó nhất là chọn ra loại có khả năng phân giải rác hữu cơ. Sau khi tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã "chấm" trùn Peryonyx excavatus (còn gọi là trùn đất hay trùn quế), thuộc vùng nhiệt đới, thích hợp để nuôi trong điều kiện khí hậu nước ta.

Thế nhưng, thức ăn duy nhất của chúng lại là phân chuồng. Nếu nuôi chúng bằng loại phân này, tỉ lệ sống sót chiếm tới hơn 95%, nhưng nếu nuôi bằng phân chuồng trộn lẫn mạt cưa thải sau trồng nấm, tỉ lệ sống sót chỉ chưa đầy 47% ! Đó là chưa kể khi đặt trùn đất vào môi trường mạt cưa, chúng bỏ trốn gần hết. Trong các tài liệu nghiên cứu nuôi trùn, cũng chưa hề thấy đề cập đến nuôi bằng mạt cưa.

Qua nhiều thử nghiệm và thất bại, Dũng và nhóm nghiên cứu đã tạo ra được một loại chế phẩm đặc hiệu. Chế phẩm này là một hỗn hợp gồm cám gạo, cám bắp, bánh dầu, bột cá cùng một số chủng vi sinh đặc biệt. Khi trộn vào mạt cưa thải, chúng sẽ phân huỷ và biến mạt cưa trở thành một loại thức ăn dinh dưỡng, phù hợp với khẩu vị của trùn. Trùn đất được nuôi bằng mạt cưa thải sau trồng nấm có tỉ lệ sống sót và trưởng thành đạt 100%, tương đương với nuôi bằng phân chuồng.

Điều đáng nói là, số mạt cưa thải sau trồng nấm được trùn tiêu hóa đã trở thành một loại phân bón sạch (còn gọi là phân trùn). Hiện một đơn vị trồng cây cao su đã bón thử loại phân bón này. Ghi nhận bước đầu cho thấy có nhiều kết quả khả quan.

(Theo Báo Người Lao Động)

Đối với bà con ở các vùng ven nội ô và nơi có đông dân cư sinh sống, việc khử đi mùi hôi từ phần chất thải của đàn gia súc, gia cầm bây giờ hòan toàn không khó: Chỉ việc tập trung toàn bộ phần chất thải này lại nơi khô ráo, tránh mưa và thả vào đây một lượng (thích hợp) trùn quế. Như vậy chỉ sau một thời gian ngắn, không những mùi hôi sẽ không còn mà bà con ta còn có được một lượng phân vi sinh 100%.