Với 100 m2 đất chuồng đã từng nuôi lợn trước đây, anh Lê Đăng Khoa ở xã Tân Bình thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đưa vào nuôi giun quế (loại giun có màu đỏ), một loại côn trùng giống như loại giun đất rất nhỏ, phù hợp cho nghề nuôi cá thịt, cá cảnh và gà giống đã cho thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/ tháng mà hầu như rất ít vốn đầu tư, công chăm sóc mà ai cũng có thể làm được. Ông Nguyễn Phan Biên, Chủ tịch Hội nông dân huyện Vĩnh Cửu gọi đây là nghề phụ nhưng lại có thu nhập rất cao bởi loại giun quế đang là nguồn thức ăn dễ sản xuất cho những người nuôi cá và một số giống gia cầm khác ở nông thôn.
Đầu năm nay, tình cờ anh Lê Đăng Khoa đọc được tài liệu nói về việc nuôi giun quế rất dễ nuôi lại lời nhanh, anh Khoa liền tìm đến Công ty TNHH kỹ thuật Anh Minh Tâm ở trong huyện hỏi kỹ về cách nuôi loại côn trùng mới lạ này và được cán bộ Công ty tận tình chỉ bảo cách nuôi và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Sau khi bàn bạc với gia đình, anh Khoa liền dành ra 40 m2 đất chuồng lợn bỏ đi trước đây ngăn thành 6 ô nuôi giun quế. Sau gần 2 tháng vừa nuôi lứa đầu, vừa quảng bá sản phẩm, gia đình đã bán được gần 4 triệu đồng gồm 2 loại sản phẩm từ giun quế: loại 5000 đồng/kg gồm 1 mảng cả con, trứng, đất đang nuôi và loại giun quế nguyên con 20.000 đồng/ kg. Nuôi lứa đầu thắng lợi, anh Khoa đưa thêm 60 m2 đất vườn quanh nhà vào nuôi giun quế và đến nay, cứ 2 tháng nuôi thu hoạch l lần bán được khoảng 6 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí; bình quân trên 100 m2 đất nuôi cho thập khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Anh Khoa cho biết: nuôi giun quế rất dễ, chỉ cần có sẵn chuồng trại từng nuôi gia súc, gia cầm hoặc đào mới một hố nông, nện kỹ đáy hố rồi rải lên các lớp phân gia súc, gia cầm trộn lẫn với đất tơi xốp và mua giống về nuôi. Hố nuôi luôn giữ độ ẩm cần thiết, tránh bị ngập úng hoặc khô quá để giun quế có điều kiện phát triển nhanh và chỉ sau gần 2 tháng là cho thu hoạch. Nhiều nông dân trong vùng sử dụng giun quế trộn lẫn cám làm thức ăn cho cá thấy cá phát triển nhanh, thịt rắn chắc, thậm chí dùng để nuôi gà con, chim cảnh, cá cảnh cũng rất tốt. Anh Khoa cho biết: qua tài liệu tham khảo thấy hàm lượng đạm trong giun quế lên tới 70%, gia đình anh liền sử dụng giun quế nuôi cá lăng, một giống cá da trơn rất được thị trường ưa chuộng hiện nay và cá lớn rất nhanh so với đối chứng. Còn cha anh là ông Lê Hữu Đạo đang tập trung nuôi cá lăng trên diện tích mặt nước 400 m2 cũng khẳng định: dùng giun quế pha với cám công nghiệp cho cá ăn sẽ rất mau lớn. Chỉ với 400 m2 mặt nuớc nuôi cá lăng sau 15 tháng cho cá ăn theo phương pháp trên, cá thành phẩm cho trọng lượng hơn 1,5 kg/ con và sản lượng đạt hơn 2,5 tấn với giá bán hiện tại hơn 100.000 đồng/ kg, gia đình đã có thu nhập từ nuôi cá lăng hơn 250 triệu đồng. Hiện nhiều bà con nông dân ở huyện Vĩnh Cửu đang tiến hành ký hợp đồng với Công ty TNHH kỹ thuật Anh Minh Tâm để mua con giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho giun quế. Anh Lê Đăng Khoa vẫn tiếp tục mở rộng diện tích nuôi giun quế trên đất vườn để cung ứng cho các hộ nuôi nhỏ lẻ ở trong và ngoài huyện, đồng thời mở rộng diện tích ao nuôi cá lăng, một loại cá da trơn mới được khôi phục và đang có giá trị thương phẩm cao ở các tỉnh khu vực Nam bộ./.