TÌNH HÌNH NUÔI GIUN TRÊN THẾ GIỚI

Nghề nuôi giun (giun đất, giun quế...) đã hình thành từ hàng trăm năm nay. Do lợi ích của giun đất nên nhiều nước đã quan tâm nuôi và sử dụng giun, chọn lọc và lai tạo một số giống giun có năng suất và chất lượng cao, chủ yếu là giun Quế. Mỹ đã có lịch sử nuôi và sử dụng giun từ hơn 80 năm nay. Năm 1980, ở Mỹ đã có hơn 90.000 trang trại nuôi giun. Ở Manila (Philipin) có hơn 50.000 hộ nuôi giun. Trung Quốc bắt đầu nuôi giun từ cuối thập kỉ 70.

Wormtech Limited là một công ty đóng tại hạt Monmouthshire (Anh) chuyên thu thập rác thải để tái chế. Hiện nay, Wormtech đang gấp rút sửa sang năm căn nhà chứa máy bay ở Caerwent thành xưởng cho các "công nhân giun" làm việc, cần tuyển khoảng 18 tỷ... giun đất cho dự án tái chế của mình. Theo dự tính, phải có khoảng 30.000 tấn giun đất, nhờ đó tạo được công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương. Lũ giun cần khoảng một tháng để làm phân hủy toàn bộ chỗ rác, cung cấp nguyên liệu để sản xuất khoảng 12 loại sản phẩm hữu cơ. Owen cho biết: "Trên khắp nước Anh có khoảng 700 trại nuôi giun, và họ sẽ cung cấp giun cho chúng tôi. Còn trong tương lai, chúng tôi sẽ tự mình nuôi lấy giun đất. Với một loại máy nhặt giun đặc biệt, chúng tôi sẽ đảm bảo sao cho không có bất cứ con giun nào lọt được vào sản phẩm cuối cùng. "

Sử dụng giun để sản xuất phân bón phổ biến tại Vancouver (Canada) từ những năm 80. Đối với các cư dân đô thị có ý thức về môi trường, chẳng có căn bếp nào hoàn thiện nếu vắng một thùng giun! Bên trong thùng, giun biến thức ăn thừa thành một loại mùn hữu ích cho cây, đồng thời giúp giảm lượng rác ở bãi chôn lấp. Trên mười năm qua, chính quyền thành phố Vancouver đã tài trợ cho một chương trình sản xuất phân bón từ giun. Vào thứ bảy hàng tuần, 25 người quan tâm tới sản xuất phân bón từ giun tham dự một

lớp học kéo dài 1 giờ tại khu vườn thí nghiệm của City Farmer. Tại đó, họ học cách chăm sóc và quản lý giun. Đối tượng tham gia rời khu vườn với một chiếc thùng, lớp lót đáy, khoảng 0,5 kg giun Quế và sách hướng dẫn. Đó là tất cả đồ nghề họ cần để ''vận hành'' giun tại nhà. Cho tới nay, chương trình đã phân phát khoảng 3.500 thùng giun. Mỗi thùng như vậy (cao 61 cm, dài 51 cm và rộng 30,5 cm) có thể xử lý khoảng 2,25 kg rác trong một tuần, ngăn khoảng 60 kg rác hữu cơ được chuyển tới bãi chôn lấp của thành phố mỗi năm. Ngoài lợi ích có thể thấy được, chương trình còn thúc đẩy ý thức giảm rác thải của công chúng. Ngày nay, chương trình này đã phổ biến tới mức hình thành một dịch vụ mới: Sản xuất phân bón từ giun. Thành phố này cũng đã thiết lập một đường dây điện thoại nóng giành riêng cho loại hình dịch vụ này.

Cạnh khách sạn 5 sao Mount Nelson sang trọng và lâu đời vào loại bậc nhất ở thành phố nổi tiếng Cape Town của đất nước Nam Phi, chốn lui tới thường xuyên của các nhân vật nổi tiếng trong nước và nước ngoài, là một dãy nhà được thiết kế đặc biệt để chứa hàng trăm thùng gỗ của trang trại nuôi giun Quế. Tại đây, người ta cho chúng ăn rau và các thức ăn còn sót lại từ những bàn tiệc thừa mứa, giải quyết vấn đề sinh thái và bảo vệ môi trường. Mary Murphy, trưởng dự án, cho biết: “Chúng giải quyết đến 70 % thức ăn thừa và tuyệt nhiên không để lại mùi hôi thối gì cả”. Hiện nay nhờ lũ giun, Mount Nelson tái tạo lại được khoảng 20 % số rác thải hữu cơ. Trang trại nuôi giun ở Mount Nelson là mô hình đầu tiên được áp dụng ở Nam Phi. Sắp tới Murphy sẽ nhân rộng sang các trường học, nhà hàng và khách sạn khác.