Xử lý rác thải bằng giun

Các nhà khoa học Việt Nam đã thử nghiệm thành công phương pháp nuôi giun bằng rác thải, nhằm giải quyết nạn ô nhiễm môi trường do rác gây ra, đồng thời cung cấp thức ăn cho gia súc. Loài giun này được nhập từ Philippines, có ưu điểm là dễ nhân nuôi, sinh sản nhanh, thích nghi tốt với khí hậu nước ta.

Tiến sĩ Huỳnh Thị Kim Hối, thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, đã nghiên cứu kinh nghiệm dân gian, kết hợp với các kiến thức khoa học hiện đại để cho ra đời một quy trình xử lý rác thải nhờ giun đất Phillipinnes. Loài giun này có tên khoa học là perionyx excavalus, có thể tiêu hoá chất thải rất tốt.

Theo tính toán, để phân hủy 1 tấn rác hữu cơ trong một năm, nguời ta cần khoảng 1.000 con giun giống và các thế hệ con cháu của chúng. Hiện tại, đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng cho việc xử lý rác thải ở các thành phố lớn.

Trên thực tế, việc nuôi giun đất để xử lý ô nhiễm môi trường đã được nhân dân ta áp dụng từ lâu. Kinh nghiệm này đã được phổ biến rộng rãi nhất ở Hà Đông. Nhân dân ở đây thường làm chuồng gà phía trên và nuôi giun đất phía dưới, vì phân do gà thải ra là nguồn thức ăn tốt cho giun đất. Mặt khác nhờ giun đùn đất, tiêu hoá và thải ra chất hữu cơ, mà sau một thời gian, đất ở phía dưới chuồng gà sẽ tơi xốp, rất tốt cho cây trồng. Khi đó, người ta lại chuyển chuồng gà ra chỗ khác, cứ như vậy... Chu trình khép kín này khiến cho việc nuôi gia cầm không gây ô nhiễm môi trường.