YÊU CẦU KĨ THUẬT NUÔI GIUN QUẾ

Muốn nuôi giun trong hộ gia đình trước hết cần 02 điều kiện sau:

- Có nguồn phân động vật tại chỗ như phân trâu bò, phân dê thỏ, phân gà, phân lợn; Các nguồn rác thải hữu cơ như: rơm rạ, rau quả, bã trái cây đã ép lấy nước, xơ mít, vỏ dứa, xoài, thân cây chuối…Đây là nguồn rất dễ kiếm đối với những hộ nông dân, đặc biệt là những hộ kinh tế VAC.

- Phải có một chuồng nuôi thích hợp. Tất cả những dụng cụ đựng mà đảm bảo thoát nước, không úng ngập và chứa đựng được thì đều có thể làm chuồng nuôi giun. Ví dụ như thùng phuy, can nhựa, khay, thùng, chậu, chuồng trại cũ bỏ không, lều lán…

 Tuy nhiên trên thực tế việc nuôi giun tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để nuôi giun Quế thành công và đạt hiệu quả kinh tế cao, chúng ta cần tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật sau:

1.- Về người nuôi:

-   Nắm được một số đặc tính sinh lý, sinh thái cơ bản của con giun.

-   Có kiến thức tối thiểu về qui trình công nghệ nuôi giun.

-   Thực hành đúng các yêu cầu kĩ thuật và qui trình công nghệ nuôi giun.

2.- Về chuồng trại nuôi:

Chuồng trại nuôi phải đặt nơi thoáng mát, không bị ngập úng và không nên bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, có nguồn nước tưới thường xuyên, trung tính và sạch; cần thoát nhiệt, thoát nước tốt. Bảo đảm các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm. Nên có biện pháp ngăn ngừa các thiên địch (kiến, cóc, nhái..) Hố hoặc bể nuôi giun phải có mái che tránh mưa nắng.

3.- Về chất nền:

Là yếu tố quan trọng cho giun trong thời gian đầu sinh sống, là nơi trú ẩn khi giun tiếp xúc với môi trường mới và phải đạt các yếu tố: tơi xốp, sạch, giàu dinh dưỡng…Chất nền có cơ cấu xốp, kết cấu tương đối thô, có khả năng giữ ẩm tốt, không gây phản ứng nhiệt, pH không nằm ngoài phổ chịu đựng của giun, có thể là môi trường sống tạm của giun khi gặp điều kiện bất lợi. Do vậy người mua giống bắt buộc phải lấy dạng sinh khối, vừa an toàn cho vận chuyển vừa có chất nền lý tưởng cho giun khi có chỗ ở mới.

4. – Về nhiệt độ:

Nhiệt độ thích hợp nhất cho giun phát triển là từ 20oC - 30oC. Đối với bà con ở một số khu vực phía Bắc cần chú ý: Vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, lúc này chúng ta cần che chắn kỹ để tránh gió lùa. Đảm bảo chuồng nuôi luôn kín, tối, ẩm và thoáng.

5.- Về độ ẩm:

 Phải thường xuyên kiểm tra và xử lý sao cho chuồng nuôi luôn ẩm, độ ẩm lý tưởng là từ 55 - 65 %.

6.- Về ánh sáng:

Giun rất sợ ánh nắng nên ta cần phải che chắn chuồng thật kỹ vào ban ngày để tránh tia tử ngoại lọt vào chuồng. Tốt nhất là có tấm phủ trên mặt luống nuôi. Tuy nhiên cần phải giữ cho chuồng thoáng mát.

7. – Về không khí:

Khí Co2, H2S, SO3, NH4 là kẻ thù của giun nên thức ăn của giun phải sạch và không có các thành phần hóa học gây bất lợi cho giun.

 8.- Về thức ăn:

Mỗi ngày giun tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương với trọng lượng cơ thể chúng, nên chúng ta phải chắc rằng đủ lượng thức ăn cần thiết để nuôi giun. Thức ăn giun gồm: Phân bò, trâu, dê, heo, gà, vịt, rơm rạ, rác hữu cơ.. Trong đó phân bò tươi và phân trâu tươi là món khoái khẩu nhất của giun, những loại phân này chì cần hòa với nước lã sột sệt dạng bùn đặc là cho giun ăn ngay; còn lại phân gà, phân lợn, phân vịt, cần phải ủ cho hoai trước khi cho ăn. Thức ăn là chất thải hữu cơ nên ở dạng đang phân hủy, không nên có hàm lượng muối và amoniac quá cao; chủng loại tương đối đa dạng nhưng thích hợp nhất là những chất liệu có tỷ lệ C / N vào khoảng 10 : 1 như phân gia súc, hấp dẫn giun hơn là các loại phân khô hoặc đã qua giai đoạn ủ.

Có thể chế biến thức ăn giun gồm rơm rạ, bã mía, mùn cưa... 50 %; lá xanh, rau các loại, vỏ chuối... 20 % và phân gia súc, gia cầm 30 %. Trong đó phân trâu bò là tốt nhất. Cứ 1 kg giun giống (khoảng 5000 con) tiêu thụ mỗi ngày 1-2 kg phân ủ, mỗi tháng 100m2 ăn hết 4500 - 5000kg phân ủ. Trộn đều các loại nguyên liệu theo tỷ lệ 70 % nước, 30 % phân rác... (cất nguyên liệu rơm rạ...) đem ủ như ủ phân đống ngoài trát bùn chặt kín, nhiệt độ tăng cao, cho đến 3 - 4 tuần lễ. Khi nhiệt độ hạ xuống bằng nhiệt độ môi trường thì cho giun ăn.